Một số gợi ý về xây dựng sandbox cho Việt Nam

1. Khái niệm Sandbox, Regulatory Sandbox

Trong công nghệ thông tin (CNTT), mô hình sandbox được sự dụng rộng rãi, từ việc tạo môi trường phát triển các ứng dụng giải pháp, hay để thử nghiệm ứng dụng vào môi trường thực tế. Người sử dụng máy tính có thể tự mình tạo ra một môi trường Sandbox của riêng mình để thử nghiệm, phân tích một phần mềm nào đó khi chưa chắc chắn liệu chúng có làm hại máy tính của mình hay không.

Trong an ninh mạng, Sandbox là một kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực bảo mật, có tác dụng cô lập các ứng dụng, ngăn chặn các phần mềm độc hại để chúng không thể làm hỏng hệ thống máy tính, hay cài cắm các mã độc nhằm ăn cắp thông tin cá nhân của người dùng…[i]

Giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hiện nay, thuật ngữ “Sandbox”/“Regulatory Sandbox đang được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế số, với hàm ý là tạo ra các khung pháp lý thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới khi mà khung pháp lý hiện hành chưa có quy định điều chỉnh.

Nhu cầu được hoạt động thử nghiệm trong Sandbox ngày càng gia tăng, nhất là đối với các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực fintech. Mục đích của sandbox là điều chỉnh quy định tài chính nghiêm ngặt để có thể thích ứng với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp (DN) đổi mới, sáng tạo, tuy nhiên sự điều chỉnh này phải theo cách vừa không làm giảm bớt các quy tắc của fintech, đồng thời, vẫn đảm bảo yếu tố bảo vệ người tiêu dùng [i].

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, có thể định nghĩa một cách khái quát nhất về Sandbox như sau:

Sandbox là tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách riêng (nằm ngoài khung chính sách hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới.

Regulatory sandbox – “khung pháp lý thí điểm” là một cách tiếp cận mới và khá linh hoạt trong kỹ thuật lập pháp, cho phép thử nghiệm trực tiếp, giới hạn thời gian của các đổi mới dưới sự giám sát điều chỉnh. Sandbox cho phép thử nghiệm trong môi trường thực tiễn, nhưng có phạm vi và thời gian xác định, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn bất kỳ hậu quả nào của sự thất bại mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thống tài chính quốc gia.

Hết thời hạn thử nghiệm, nếu DN khởi nghiệp và đi vào hoạt động thành công, thì sẽ phải thoát ra khỏi khung pháp lý Sandbox và hoạt động theo khung pháp luật hiện hành.

Đối tượng điều chỉnh của Regulatory sandbox thường là các sản phẩm tài chính sáng tạo, sản phẩm ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Những “khung pháp lý thử nghiệm” Sandbox áp dụng cho các DN khởi nghiệp có ứng dụng công nghệ (fintech, blockchain,…) hay DN kinh doanh theo mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ) sẽ được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng.

Tuy nhiên, thử nghiệm Sandbox cũng có thể thất bại, nên việc cho phép thử nghiệm Sandbox cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho hệ thống tài chính quốc gia.

2. Tại sao Việt Nam rất cần Sandbox trong thời điểm hiện nay?

CMCN 4.0 góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới trong một không gian rộng mở xóa nhòa khoảng cách thế giới thực và không gian mạng. Nhu cầu hiện thực hóa các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh sáng tạo vào cuộc sống gặp phải rất nhiều khó khăn do sự chưa sẵn sàng của khung pháp lý hiện tại. Nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều khái niệm mới chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, dẫn đến cản trở đổi mới sáng tạo và nguy cơ kìm hãm xã hội phát triển.

Thống kê của CBINSIGHTS tháng 2/2019 cho thấy, các khởi nghiệp sáng tạo tạo ra được 39 Kỳ lân, với tổng số vốn đạt 147,37 tỷ USD. Riêng năm 2018, có 16 Kỳ lân. Tổng toàn bộ các kỳ lân có 391 với tổng giá trị là 1 ngàn 210 tỷ USD [ii] (Kỳ lân – Unicorn: Doanh nghiệp trên 1 tỷ USD).

Báo cáo cũng chỉ ra, Đông Nam Á đang là điểm nóng nhất hành tinh về các công ty khởi nghiệp FINTECH và là nơi các quỹ đầu tư đang dồn tiền đến [iii].

Thực tế cho thấy, khu vực nào tập trung được chất xám, lao động tri thức, sẽ là trung tâm của khu vực và thậm chí của thế giới cho các công ty khởi nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư, như Silicon Valey, Singapore, Ấn Độ… Với Fintech, quốc gia, vùng lãnh thổ nào có được cơ chế trước, thu hút cộng đồng Fintech tới trước, sẽ trở thành trung tâm [iv].

Share this post